Advertisement

Main Ad

TIỂU LUẬN CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM ĐỀ TÀI : NÉT ĐẸP VĂN HÓA HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP. HỒ CHÍ MINH

 TIỂU LUẬN CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM 

ĐỀ TÀI : NÉT ĐẸP VĂN HÓA HUẾ 

Nhóm thực hiện: NHỮNG NÀNG THƠ XỨ HUẾ 

Họ và tên Mã số sinh viên

  •  Nguyễn Minh Anh 21140003 
  • Huỳnh Hoàng Oanh 21140076 
  • Lương Nhật Anh Thư 21140085 
Giảng viên hướng dẫn: Phạm Thị Hằng

 TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 1 năm 2022






 A. MỞ ĐẦU :

  Văn hóa là trái tim và linh hồn của một xã hội, một nhóm hoặc một tổ chức: nó là sự thể hiện những gì một nhóm người cụ thể nghĩ, cảm nhận, tin tưởng và coi là lý tưởng. Đó là sự giao tiếp về những gì một người xem là tốt và xấu, đúng và sai. Song trong thời đại ngày nay nền kinh tế ngày càng phát triển và các quốc gia trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau thì văn hóa dân tộc ngày càng trở thành trung tâm của sự chú ý. Văn hóa là một trong những lĩnh vực đang ngày càng được quan tâm nghiên cứu nhiều trên thế giới. 

  Ngay cả trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về văn hóa cũng chiếm một vị trí quan trọng. Văn hóa có vai trò to lớn trong đời sống của mỗi quốc gia dân tộc. Văn hóa là linh hồn, bản sắc dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa không thể tách rời với quốc gia dân tộc, văn hóa trước hết là văn hóa của một dân tộc, nó mang tâm hồn, diện mạo dân tộc, đó chính là bản sắc dân tộc của văn hóa.

  Văn hóa vốn bao giờ cũng là nền tảng quyết định của xã hội, văn hóa đại diện cho sự phát triển mạnh mẽ, sâu sắc toàn diện nhất toàn cầu hóa và hôi nhập, toàn cầu hóa như một tất yếu. Có thể khẳng định: Văn hóa là cốt hồn của dân tộc, một dân tộc, nếu không giữ được bản sắc văn hóa riêng thì dân tộc đó sẽ bị lu mờ thậm chí không còn dân tộc đó nữa. Vì thế, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hoá mà còn là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân và toàn xã hội.

  Đề tài :” Nét đẹp trong văn hóa Huế” của nhóm sẽ chứng minh và sáng tỏ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và nâng cao giá trị trong nét đẹp văn hóa của vùng đất Thần Kinh nói riêng. 2 

B. NỘI DUNG :

I. NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA XỨ HUẾ :

 1. Huế - thành phố di sản đầu tiên của Việt Nam :

  Trong quá trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế giữ một vị trí khá quan trọng. Đây cũng từng là địa bàn cư trú của cộng đồng những cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Đặc biệt còn là nơi diễn ra và chứng kiến nhiều cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vang dội của quân và dân ta trong công cuộc thống nhất đất nước.

 1.1 Vị trí địa hình :

  Thừa Thiên Huế là tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam có tọa độ ở 16-16,8 độ vĩ Bắc và 107,8-108,2 độ kinh Đông. Diện tích của tỉnh là 5.053,99 km². Thừa Thiên Huế giáp tỉnh Quảng Trị về phía Bắc, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, phía Tây giáp dãy Trường Sơn và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thừa Thiên Huế cách Hà Nội 654 km, Nha Trang 627 km và Thành phố Hồ Chí Minh 1.071 km. [1] 

  Huế nằm ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Đây là thành phố nằm ở trung tâm của đất nước, trên trục Bắc – Nam của các tuyến đường bộ, được sắt, đường biển và đường hàng không. Có đường biên giới với Lào, trong đó phía Đông giáp biển, phía Tây Nam giáp Quảng Nam, phía Nam giáp Đà Nẵng và phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị. [2]  

1.2. Khí hậu :

  Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và chịu ảnh hưởng kiểu khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam nên thời tiết Huế chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa đông. Mùa khô bắt đầu từ tháng 5 kéo dài cho đến hết tháng 9, nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng 27– 29 độ C, các tháng cao điểm (5, 6) nóng nhất lên tới 38 – 40 độc C. Còn mùa lạnh sẽ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau với đặc trưng mưa nhiều, thời tiết khá lạnh, nhiệt độ từ 20 – 22 độc C, có thể thấp hơn. [2] 

  Huế có một kiểu khí hấu khá khắc nghiệt nhưng người dân đã biết cách biến nó trở thành một “đặc trưng” để phát triển du lịch. Những nhà hàng, quán ăn, khách sạn,trạm xe vào mùa mưa theo nhiều chủ đề. Có vẽ đó là lý do thành phố này ít khi sầm uất mà luôn vui tươi, nhộn nhịp. 

1.3 Lịch sử hình thành:

  Theo các tư liệu xưa, từ hàng nghìn năm trước, Thừa Thiên Huế đã từng là địa bàn cư trí của những cộng đồng cư dân mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Tương truyền vào thời kỳ hình thành Nhà nước Văn Lang – Ân Lạc, Thừa Thiên Huế là một vùng đất của bộ Việt Thường. 

  Lịch sử mở cõi về phương Nam của dan tộc Việt diễn ra trong một tiến trình lâu dài. Mốc lịch sử đầu tiên là phải kể đến sự kiện năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, để đổi lấy hai Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và chính thức sắp nhập vào lãnh thổ đất nước. Châu Ô và Châu Lý chính là Thừa Thiên – Huế sau này. [3] 

  Hiện chưa rõ địa danh “Huế” chính thức xuất hiện lúc nào. Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then”. Trước và sau đó, đều dùng cái tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế. Cái tên Huế về sau có nhiều lần xuất hiện trong các văn bản, tuy nhiên là rất ít ỏi. Đến triều Gia Long gọi đây là phủ Thừa Thiên. 

  Cho đến thời kỳ đầu Pháp thuộc, Huế là một tên gọi dân gian để chỉ Kinh thành. Mãi đến ngày 12 tháng 7 năm 1899, dưới tác động của chính quyền thực dân muốn đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, vua Thành Thái đã ban Dụ thành lập thị xã Huế (Centre urbain de Hué), với ranh giới được xác lập xen giữa Kinh thành bao gồm các vùng phụ cận quanh kinh thành và dải đất dọc theo bờ nam sông Hương. Từ đó, địa danh Huế trở thành địa danh chính thức cho đến tận ngày nay. [4] 

1.4 Dân cư : 

  Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người, có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Kể từ ngày 01/7, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố); 141 đơn vị hành chính cấp xã (95 xã, 39 phường và 7 thị trấn). [5] 

  Kinh thành Huế năm 1875 5 Tính đến năm 2020, dân số tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.129.505 người (561.301 nam; 572.412 nữ). Mật độ dân số: 229 người/km2. Về phân bố, có 562.321 người sinh sống ở thành thị và 571.392 người sinh sống ở vùng nông thôn. [6]

  Trong các dân tộc thiểu số sinh sống ở Thừa Thiên Huế thì các dân tộc: Cơtu, Tà Ôi, Bru-Vân Kiều được xem là người bản địa sinh sống ở phía Tây của tỉnh. Trải qua quá trình sinh sống lâu dài, các dân tộc này đã tạo cho mình bản lĩnh dân tộc và nét văn hóa đặc trưng, thống nhất trong đa dạng, làm nên một tiểu vùng văn hoá ở phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế. [6] 

2. Văn hóa huế, một nền văn hóa của cái đẹp từ nghệ thuật ki ến trúc đến cả trong phong cách sống :

2.1 Bản sắc văn hóa Huế :

Để xác định đôi nét tiêu về bản sắc của văn hóa Huế, trước hết thử đặt một cái nhìn khái quát về Huế. Huế là ai, Huế ở đâu, Huế có cái gì đáng nói? 

  Tiền thân của Huế là Thuận Hóa - Phú Xuân. “Huế” là cách đọc trại ra từ chữ “Hóa”. Tuy thành Phú Xuân được xây dựng từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát vừa mới lên nối ngôi năm 1738, nhưng hơn một nửa thế kỷ lọan lạc, thay ngôi đổi chủ liên miên, văn hóa chưa có điều kiện định hình. [7]

 Năm 1802 Nguyễn Ánh chiến thắng Tây Sơn lên làm vua lấy hiệu là Gia Long, chọn Huế làm kinh đô. Giai đọan nầy chính là thời kỳ Huế được xây dựng thành một kinh đô bề thế với nhiều công trình kiến trúc tráng lệ, mang tính dân tộc và nghệ thuật cao. Gần 150 năm trị vì với 13 đời vua của triều Nguyễn, Huế trở thành đất “thần kinh văn vật” trong khung cảnh thiên nhiên sông núi hữu tình. [7] 

  Khác với bản năng xông xáo với tinh thần quyết đấu của người Mỹ ứng phó quyết liệt với người da đỏ tại châu Mỹ, lớp người Huế tiền phong đối diện với một 6 thế giới Chiêm Thành huyền bí. Do đó, từ bản chất, văn hoá Huế tiềm tàng giá trị phi vật thể.

  Người Huế mang một nét gì đấy có chút trầm lặng, u buồn và hoài cổ. Cái buồn trong phong cách sống cũng như trong cảm nhận nghệ thuật của Huế trầm buồn nhưng không u uất, u tối. Tâm hồn Huế nhưu một nốt nhạc trầm để ta lắng lại suy tư, nặng lòng với vẻ đẹp của Huế. 

  Trong nghệ thuật và cảm quan thì Huế vương mang nét lắng đọng và u trầm như vậy, nhưng trong đời thường thì người Huế lại rất xông xáo và thực tế. Nhìn vào bức tranh hiện thực của những người Huế đang ở quê nhà hay lập nghiệp xa quê, nhất là người Huế di tản ra nước ngoài sau năm 1975, thì sẽ thấy rõ ràng tinh thần vừa lạc quan, hài hước (theo cái ngẵng và cái ba lơn truyền đời của Huế), vừa chịu thương chịu khó “ham việc tiếc công” của con nhà nghèo cố vươn lên hơn là hình ảnh: “Người Huế buồn trong lúc thế gian vui…” quá ảm đạm và bi quan như bác sĩ Lê Văn Lân đã diễn dịch theo lý tính thuần lý (Physical setting interpretation) của y học về một trạng thái tâm lý đau thương vô hạn kỳ vì phải gánh chịu tai trời ách nước triền miên của người xứ Huế! [7] 

2.2 Văn hóa vật chất :

 a) Kiến Trúc :

  Khi đến du ngoạn Huế, ta sẽ như ngược thời hạn trở về nước Việt xưa thời thế kỉ 17, 18 với nhiều loại hình phong cách thiết kế lăng tẩm, thành quách, , đền rồng đài. Kiến trúc Huế vô cùng nhiều loại hình, phong phú và đa dạng với kiến trúc cung đình, bản vẽ xây dựng tôn giáo, kiến trúc dân gian và phong cách xây dựng thường miếu xen kẹt cùng phong cách xây dựng truyền thống lâu đời với hiện đại. 



  So với các đô thị lớn, kiến trúc thuộc địa tại Huế ít về số lượng, nhỏ về quy mô, và kém cầu kì trong trang trí, vậy nên quan điểm bảo tồn quỹ kiến trúc thuộc địa tại Huế là phải bảo tồn cấu trúc tổng thể chứ không thể bảo tồn từng công trình riêng lẻ, bởi vì vai trò đặc biệt của kiến trúc thuộc địa trong việc tạo lập bản sắc của đô thị Huế từ quá khứ đến hôm nay. [8] 

  Cái đẹp trong nghệ thuật kiến trúc ở Huế được thể hiện trước hết là ở sự hòa hợp, gắn bó giữa công trình với môi trường tự nhiên, một bên là sáng tạo của thường dân, một bên là tạo hóa, đất trời, phối hợp ăn ý với nhau, tạo nên một thể thống nhất, chặt chẽ mà nên thơ, hùng vĩ và duyên dáng... 

  Công trình kiến trúc Huế phải nhắc đến đầu tiên là Đại Nội Huế. Đại Nội Huế là một trong số những di tích thuộc cụm quần thể di tích Cố đô Huế. Nơi này đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Đại Nội Huế bao gồm Hoàng Thành và Tử CấmThành. Để xây dựng nên Đại Nội Huế đã mất khoảng 30 năm và hàng vạn người thi công. Lấp sông, đào hào, đắp thành, dời mộ… và ngàn việc không tên khác phải làm trước khi đặt viên đá đầu tiên hình thành nền móng cho Đại Nội Huế. Đại Nội Huế có diện tích hơn 500 ha. Nơi này có kiến trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc phương Đông, biểu thị cho quyền uy của người đứng đầu. Đại Nội Huế gồm Hoàng Thành là nơi làm việc của vua, quan và Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của vua và hoàng tộc. [9]

  Tháp Phước Duyên là một công trình nổi bật gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 mét, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa vào năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật. [9] 

  Có lẽ không từ ngữ nào có thể diễn tả được vẻ đẹp mà công trình kiến trúc của Huế mang lại.Vì mỗi côn trình đềo có vẻ đẹp, đặc điểm và câu chuyện riêng của mình ở trong đấy. Nếu có dịp đến đây, các bạn nhất định phải đến tham quan những công trình kiến trúc Huế này. 

b) Nét độc đáo trong ẩm thực Huế :

  Quá khứ đã đi qua nhưng nó đã để lại cho Huế dấu ấn không thể phai nhòa, vẫn còn đó:

 “Ngọ Môn năm cửa, chin lầu

  Cột cờ ba bậc, Phú Văn Lâu hai tầng ” 

   Và cũng không thể mất đi nét ẩm thực Huế vừa có sang trọng, cao lương mỹ vị, vừa có món mộc mạc nhưng tinh tế, và luôn được đánh giá rất cao. Đặc biệt ẩm thực cung đình Huế nổi tiếng không chỉ ở cách chế biến mà còn ở cách trình bày món ăn, trang trí món ăn cầu kỳ, tinh tế như một tác phẩm nghệ thuật được chăm chút tỉ mẩn, hương vị tinh khiết, thanh tao, còn bồi bổ sức khỏe, làm nên nét đặc sắc mà không phải địa phương nào cũng có . 

  Có thể lý giải ngay tại cái tên “ẩm thực cung đình Huế” mà chúng ta có thể hiểu đây chính là những món ăn được phục vụ trong cung cho vua chúa, và có khá nhiều các luật lệ, nghi thức từ việc cung ứng thực phẩm, chế biến, phục vụ, các kiểu mâm bàn, chén bát, đũa, chế độ ăn uống của vua: Điểm tâm sáng 12 món ; Ăn trưa 50 món mặn và 16 món ngọt trong đó phải có một vài món thuộc bát trân (tám món quý nhất gồm: Nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi và yến sào). Từng món được múc ra tô, đĩa rồi đặt trong các hộp gỗ sơn son thiếp vàng. [10] 

  Có thể nói ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam bởi nó luôn biểu hiện sự cầu kì, tinh túy, trang nhã và thanh cao. Những loại rau dưa, củ quả được cắt tỉa khéo léo thành những hình thù sống động, kèm theo tên gọi mỹ miều, chứng tỏ người làm ra những tác phẩm này phải là một nghệ nhân có niềm đam m ê với ẩm thực Huế. Và khi đến Huế bạn cũng có cơ hội trải nghiệm “làm vua, công chúa , hoàng hậu” và được phục vụ, thưởng thức các món ăn cung đình sang trọng.

  Từ những món ăn cung đình cầu kì, đến những món ăn dân gian mộc mạc, chân chất hay kể cả những món ăn chay giản đơn nhưng dù là kiểu gì đi nữa ẩm thực Huế luôn đạt 3 tiêu chuẩn: bổ, thơm, rẻ. Muốn được như thế thì gia vị đóng 10 vai trò rất quan trọng. Người Huế thường ăn chua, ăn cay nên không dùng nhiều đường như người miền Nam, không ăn mặn như người miền Bắc.


  Hà nội có 36 phố phường thì Huế lại có 36 món chè ,đi bộ hay xích lô dọc theo các con đường ở Huế, chốc chốc chúng ta bắt gặp những quán chè trong hẻm, dừng lại và vào thưởng thức từng món chè ở đây, mỗi loại chè lại mang một hương vị rất riêng, thật độc đáo. Chè đậu xanh, hạt sen ngọt bùi, thanh mát; chè bột lọc thịt heo quay lạ miệng với vị giòn dai pha lẫn vị ngọt thanh của đường phèn và béo ngậy của thịt quay, còn có chè tía, chè bắp, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván… có vị ngọt thanh, béo ngậy nhưng ăn đến no bụng mà vẫn chưa thấy ngán… [10] 

  Dù với những loại thực phẩm thường nhưng được chế biến thơm ngon, đẹp mắt luôn hấp dẫn và kích thích khẩu vị người ăn. Nếu chú ý quan sát, chúng ta sẽ thấy mỗi bữa ăn của người Huế như hội tụ đủ âm dương ngũ hành, sự hài hoà tự nhiên giữa tính chất, màu sắc, mùi vị của các món ăn. Các món ăn Huế đều rất ngon, ngon một cách thật đậm đà và khiến người ta phải nhớ

c) Trang phục truyền thống và văn hóa ăn mặc :

  Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết áo dài đúng nghĩa – áo ngũ thân được sinh ra tại Huế từ nửa đầu thế kỷ 18, gắn liền với vai trò đặc biệt của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Tên gọi Áo dài Huế có lẽ cũng bắt đầu từ đây. Đến giữa thế kỷ ấy, áo ngũ thân đã phổ biến ở toàn bộ Đàng Trong, và sang giữa thế kỷ 19, loại trang phục này đã phổ biến rộng khắp trên toàn cõi Đại Nam, trở thành quốc phục của người Việt, với cả nam và nữ. [11] 


  Thời Nguyễn, Huế xứng danh là Kinh đô áo dài của đất nước bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú và đẹp nhất, từ các loại triều phục, phẩm phục dành cho vua chúa, hoàng gia; quân phục dành cho võ quan, binh lính; tế phục, tang phục và thường phục dành cho mọi tầng lớn nhân dân. Nghĩa là áo dài đã sinh ra từ Huế và trở thành biểu tượng của một chế độ văn minh “Y quan rực rỡ”, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của dân tộc.

  “Người Huế” bao giờ cũng ăn mặc lịch sự khi tiếp khách trong nhà cũng như khi bước ra khỏi cửa. Chính cái “không khí cung đình” lâu đời đã tạo nên cốt cách ấy. Chỉ cách đây vài chục năm thôi, hình ảnh các o bán bún, chè gánh.. với tà áo dài tha thướt không có gì lạ! Sau một thời gian biến động từ năm 1975 bởi những khó khăn chủ quan và khách quan, ngày nay họ lại dần khôi phục lại thói quen truyền thống, và chúng ta lại thấy hình ảnh chiếc áo dài phụ nữ yểu điệu thân thương xuất hiện trong cõi ”sương khói mờ nhân ảnh”… Đó cũng là yếu tố của phong cách Huế… Nó được nhân rộng ra khắp cả nước và nước ngoài bởi các nhà tạo mẫu hiện đại; các buổi trình diễn thời trang luôn luôn được mọi người yêu chuộng. [12]

  Ngày Tết cổ truyền dân tộc, đi trên các đường phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, không khó để gặp hình ảnh phụ nữ mặc áo dài du Xuân. Còn ở các miền quê, tà áo dài cũng được các chị, các mẹ mặc khi đến lễ chùa đầu năm hay các bô lão khăn đóng áo dài đến nhà thờ họ. 

  Ông Phan Thanh Hải, khẳng định: “Chúng tôi đã và đang tiến hành xây dựng thương hiệu Huế - kinh đô áo dài để đăng ký nhãn hiệu ở Sở Khoa học và Công Áo dài dành riêng cho ông Hoàng, bà Chúa nghệ tỉnh. Mặt khác còn xúc tiến lập hồ sơ đưa nghề may áo dài vào di sản phi vật thể quốc gia, xa hơn có thể trình UNESCO công nhân di sản phi vật thể của nhân loại”. [11] 

2.3 Văn hóa tinh thần :

a) Tư tưởng, tín ngưỡng - tôn giáo:

 Thừa Thiên Huế là một thành phố đa dạng, phong phú về mặt tôn giáo: Đạo Phật, đạo Thiên Chúa.... Nhưng đạo phật là chiếm ưu thế lớn nhất. 

  Sau năm 1975, kể từ ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, hòa cùng với tình cảm, ý chí và nguyện vọng của tăng ni, Phật tử Việt Nam, Phật giáo Huế đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thực hiện đường hướng “Đạo pháp-Dân tộc và CNXH’’ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ năm 1981 đến nay, Phật giáo Huế đã và đang từng bước trưởng thành và đạt được nhiều kết quả trên các mặt hoạt động Phật sự. 

  Đối với các lễ hội truyền thống Phật giáo như Phật đản, Vu lan... hằng năm trên địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động như thiết trí lễ đài, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, trang hoàng cờ đèn trước sân nhà, trên đường phố. Các hoạt động này không chỉ diễn ra tại các cơ sở Phật giáo mà mở rộng không gian trên cả địa bàn của tỉnh, trên các con đường, các khu dân cư, các điểm công cộng, trên sông Hương- nhìn tổng thể cả tỉnh tràn ngập trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp, hân hoan mừng Phật đản. Nét mới của các lễ hội này là không chỉ tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống Phật giáo mà còn tổ chức nhiều hoạt động mang tính xã hội như triển lãm thư pháp, tranh Lễ Vu Lan ở đất Cố Đô hội họa, hội chợ ẩm thực chay, thuyết trình các đề tài về Phật học, kinh tế, giáo dục, xã hội, tôn giáo, văn học, văn hóa ... [13] 

  Nét nổi bật của Phật giáo Huế còn là hoạt động của tổ chức Gia đình Phật tử. Sinh hoạt của tổ chức này nhằm vào mục đích là rèn luyện tinh thần cho thanh, thiếu niên để trở thành người Phật tử tốt. Ngoài ra, còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như hiến máu nhân đạo, phòng chống HIV/AIDS, cứu trợ nạn nhân bão lụt... Hiện nay, toàn tỉnh có 195 đơn vị Gia đình Phật tử, 15.859 đoàn sinh, 1.905 huynh trưởng. Các đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt theo cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường. [13] 

 Sự đóng góp của Phật giáo Huế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng của tôn giáo này trong tính cách, lối sống của con người Huế là điều đã được chứng minh qua quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Huế gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Huế.

b) Phong tục tập quán và lễ hội truyền thống :

  Bên cạnh các di sản vật thể, Thừa Thiên Huế là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng với các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật, ẩm thực, phong tục tập quán,… 

  Nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị văn hóa của một vùng đất đã được bảo tồn, khôi phục như: Làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh dân gian Làng Sình, tranh thêu cố đô, đan lát Bao La, gót Dã Lê, Đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới. Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo, hấp dẫn. [14] 

  Đặc biệt, Thừa Thiên Huế được tôn vinh là thành phố của lễ hội, thành phố Festival của Việt Nam với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất. Đó là nguồn tài nguyên nuôi dưỡng và tài bồi từ bao giai đoạn lịch sử, nay đang tiếp tục được “hâm nóng”, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị. Hiện nay có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy, bao gồm lễ hội cung đình Huế (tế Nam Giao, tế Đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô, lễ tế Văn Miếu...); các lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo (lễ Phật Đản, lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quán Thế Âm...); lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, đu tiên Phong Hiền, Lễ hội Làng Chuồn, Lễ hội đua ghe, lễ hội thả diều...) và nhiều lễ hội khác như lễ hội Đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa Thể thao đồng bào các dân tộc miền núi, Lễ hội Lăng Cô huyền thoại biển, Lễ hội Thuận An biển gọi. [14] 

  Đặc biệt, quy mô và ấn tượng nhất là lễ hội Festival Huế được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào các năm chẵn. Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã thể hiện được nội dung và các tiêu chí “truyền thống, hiện đại, hoành tráng, ấn tượng và an toàn”, thu hút 2 triệu lượt người tham dự.

  Chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của 5 châu lục đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Pháp, Trung Quốc, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brasil... cùng sự tham gia của các thành phố, Festival Huế 2020 15 tỉnh, vùng kết nghĩa với Thừa Thiên Huế như Québec, Quang Châu, Hawaii, Nord Pas de Calais, Poitou Charentes, Chiết Giang... [15] 

3. Di sản văn hóa : 

  Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc, hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc, để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc.

  Thừa Thiên – Huế, cho đến nay, không nơi nào ở Việt Nam có được ưu thế đặc biệt về di sản như Thừa Thiên – Huế. Một hệ thống di sản được bảo tồn nguyên vẹn cả vật thể lẫn phi vật thể, văn hóa cung đình đến văn hóa dân gian, từ cảnh quan thiên nhiên đến lối sống Huế, con người Huế, những phong tục tập quán… 

  Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV (khi vua Chăm là Chế Mân dâng hai Châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hóa vô giá. 

3.1 Di sản văn hóa vật thể :

  Quần thể di tích cố đô Huế là một phức hệ kiến trúc cung đình đa dạng, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, phố thị, vườn cảnh… phản ánh một cách toàn diện diện mạo của một kinh đô phương đông trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất. Dẫu trải qua Quần thể di tích cố đô Huế sự tàn phá của chiến t ranh, của thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, quần thể kiến trúc ấy vẫn còn khá nguyên vẹn và đang được bảo tồn, gìn giữ rất tốt nhờ nỗ lực của cả cộng đồng nhân dân Việt Nam, cùng sự chung sức của bè bạn năm châu. Tiêu biểu nhất là Quần thể di tích của Cố đô đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hằng ngàn năm tuổi của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO. [16] 

3.2 Di sản văn hóa phi vật thể :

 Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam cũng là một di sản độc đáo mà Huế còn giữ được. Tuy nhiên, cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, di sản này đã thực sự ở trong tình trạng lâm nguy do đội ngũ nghệ nhân ngày càng vắng bóng và do thiếu môi trường diễn xướng. Những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn ở cố đô Huế, tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân cùng sự hỗ trợ tích cực của UNESCO đã làm sống lại Nhã nhạc. Nghệ thuật diễn xướng bác học và cao quý này không chỉ được phục hồi, trình diễn đúng tại nơi nó sinh ra mà còn được mang đi quảng bá tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, và là một trong những bộ môn nghệ thuật chủ đạo của chủ nhà trong các kỳ festival Huế vừa qua. [16]

 Bên cạnh đó, Huế còn có 2 di sản chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). 

3.3 Di sản tư liệu : 

  Là kinh đô của một vương triều đặc biệt đề cao học vấn và tri thức nên Huế cũng là nơi hội tụ của những kho tàng tư liệu khổng lồ. Theo cố giáo sư Trần Văn Giàu, số lượng các công trình biên soạn, in ấn dưới triều Nguyễn còn nhiều hơn của tất cả các triều đại trước đó cộng lại. Mộc bản (bản khắc gỗ để in ấn các tác phẩm của triều đại), Châu bản (các văn bản của triều đình đã được nhà vua xem qua và phê lên bằng mực son), hay thơ văn được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men trên hệ thống kiến trúc cung đình tại Huế đều là những sưu tập tư liệu lớn và mang những giá trị đặc biệt.


 Qua những biến động thăng trầm của lịch sử, Mộc bản triều Nguyễn với số lượng hơn 34.600 tấm hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm lưu trữ IV (Đà Lạt); Châu bản với số lượng hàng chục vạn tờ thì bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội); chỉ có Thơ văn trên kiến trúc cung đình là còn lại tại Huế dưới dạng “di sản nằm trong di sản”. Tuy vậy, các di sản trên đều được đặc biệt quan tâm bảo tồn và khái thác phát huy giá trị. Trong vài năm trở lại đây, Châu bản, và Mộc bản triều Nguyễn đã và đang “trở về” với Huế một Mộc bản triều Nguyễn Châu bản triều Nguyễn Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế  cách đầy ấn tượng qua các cuộc triển lãm quy mô tại Hoàng cung với nhiều chủ đề khác nhau, tạo cơ hội cho đông đảo du khách và cộng đồng nhân dân địa phương hiểu thêm về những giá trị di sản phong phú, đặc sắc của cố đô Huế. [16] 

4. Nét đẹp trong phương ngữ huế và con người nơi đây :

  Nét riêng của văn hóa Huế còn được thể hiện qua ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn học và cả ăn chơi của người Huế. Trong ăn nói, người Huế luôn tôn trọng thứ bậc thể hiện qua cách xưng hô ở làng, họ và gia đình, không phân biệt tuổi tác, giàu sang, nghèo hèn (có cả một hệ thống xưng hô khác với nhiều vùng). Đối với xóm giềng, lạ cũng như quen đều căn cứ vào tuổi tác mà ăn nói. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện nay đều có chung một thứ tiếng là tiếng Huế, chung là thứ giọng là giọng Huế, không phân biệt dân làng hay thành phố. Người ta vẫn biết đến giọng Huế nhẹ nhàng, có phần e ấp của những cô gái Huế. 

4.1. Phương ngữ : 

 Tiếng Huế không chỉ đơn giản "mô, tê, răng, rứa" như thỉnh thoảng vẫn thường xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá dễ thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu phức tạp, nhiều khi đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tuỳ vào từng địa phương của Huế cách phát âm có nặng nơi nhẹ, lúc thanh tao khi khó hiểu nhưng nó là một thứ ngôn ngữ thật hay đầy cảm xúc lôi cuốn người nghe, với giọng nói trầm lắng nhẹ nhàng, lời nói êm êm mang đậm xứ Huế. [17] 

Cách nói văn hoa: Họ dùng nhiều tục ngữ, ca dao và nhiều thành ngữ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của họ. Người Huế dùng lối nói văn hoa này chủ ý để nhấn mạnh ý mình muốn nói và vì thế câu nói đầy xúc tích hơn phù hợp với tật cố hữu "Nói ít hiểu nhiều"của dân Huế hơn. Ví dụ như: "Đèn nhà ai nấy sáng", "Tích cốc phòng cơ"... [17] 

  Cách nói lái: Thường là mục đích châm chọc, hoặc châm biếm hoặc phê bình người khác, một tật cố hữu của người Huế. Ví dụ: tên o nớ là bách diệp tức "Trăm lá" nghĩa là tra lắm (tức già lắm) để chê cô gái đã già. [17]

  Cách nói bóng nói gió: Họ thường thích đàm tiếu dị nghị chuyện nhà người ta, với xu hướng dạy đời. Ví dụ như: "Chị đó đang trung hưng" tức " Chị ấy đang dấy lên" trong trường hợp không chồng mà cái bụng chị ấy phình lên... [17] 

  Cách nói lắt léo: Không những nói lái để châm chọc hoặc phê bình người khác mà người Huế còn hay nói lắt léo, "Nói cù lần","nói nguỵ biện để chữa thẹn, để đánh lạc hướng câu chuyện đang nói không mấy lợi cho họ. [17]

  Cách nói tiếng lóng: Dân Huế cũng có những tiếng lóng thông dụng riêng, cũng biết dùng tiếng lóng trong câu chuyện hàng ngày như mọi nơi khác. Tiếng lóng của họ được dùng với mục đích chế giễu vui cười với nhau chứ không ác ý chi. Ví dụ như: "Cá long hội" là "Cá lôi họng" tức thứ cá rẻ tiền ăn vào dễ bị mắc xương phải lôi họng ra lấy. [17] 

  Bên cạnh đó, dù nói năng nhẹ nhàng nhưng người đất cố đô cũng thích nói xéo một cách văn hoa, để người đối thoại hiểu được cái hậu ý mà tự suy ngẫm. Chẳng hạn với người hay nói dối, người Huế mỉa mai dông dài: "Láo thiên láo địa, láo từ ngoài Sịa láo vô". 

4.2. Phong thái con người xứ Huế: 


  Huế không chỉ được biết đến như một địa danh nổi tiếng của Việt Nam từng là kinh đô của triều Nguyễn. Người ta biết đến Huế không chỉ vì vùng đất này hội tụ những vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên, những Sông Hương, núi Ngự,…,những di tích lịch sử văn hóa, thành trì hay trường học, chùa chiền,… Nét đẹp của Huế không chỉ đơn thuần là những giá trị hữu hình mà còn là nét đẹp của con người nơi mảnh đất Cố đô này.

 Thông qua ngôn từ của con người xứ Huế cũng như qua cách xử sự trong đời sống của xứ Huế, chúng ta có thể biết đựơc nhiều về cuộc sống bên trong con người xứ Huế, có thể hiểu lối suy nghĩ, hiểu được cảm nhận, đôi khi thấy được đôi chút về cá tính của họ,...

 Cái phong thái thanh thoát, nhẹ nhàng không chỉ thể hiện ở các sản phẩm văn hoá do họ tạo ra mà còn được bộc lộ ngay trong tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái, trong cách giao tiếp ứng xử giữa con người với con người trong đời thường. Điều này được hung đúc qua ca dao, dân ca. Luận bàn về phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát,... của người Huế là để khẳng định một "nét trội" của văn hoá vùng đất được thể hiện trên phương diện nếp sống, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử của con người.

  Có thể nói trong lối sống và nếp nghĩ của con người xứ này có phần hoài cổ, rất khó và cần thời gian đủ lâu để tiếp nhận một nét văn hóa mới lạ đến từ các vùng miền khác. Phải trải qua một quá trình xem xét, chọn lọc kĩ càng mới có thể du nhập, ăn sâu và phát triển ở mảnh đất này. Có lẽ cũng chính vì thế nên nền văn hóa Huế mới mang một nét đặc trưng cho sự hoài cổ, thuần túy và luôn giữ gìn được các giá trị, nét đẹp truyền thống từ ngàn xưa.

  Cũng như đã nói, văn hóa Huế đã luôn chiụ ảnh hưởng từ văn hóa cung đình. Bởi vậy tính cách, lối sống của họ luôn theo nề nếp, có chuẩn mực, có gia phong. Trong một gia đình, từ già trẻ lớn bé, đàn bà con gái, đàn ông đàn ang đều tuân theo một phép tắt, một nề nếp nhất định.

  Là một vùng đất thuộc miền Trung nước Việt, Huế cũng luôn phải chịu những tác động, của thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt cùng với bão lũ làm ảnh hưởng đến sự phát triền kinh tế. Cũng chính vì vậy mà đức tính tiết kiệm đã hình thành ở con người nơi đây. Họ tiết kiệm và chắt chiu từng chút. Họ rất thận trọng trong việc chi tiêu, phải tính toán, cân nhắc kĩ càng trước khi quyết định chi tiêu tiền bạc.

  Người Huế cũng rất chú trọng trong chế biến ẩm thực. Không phải tự nhiên mà ẩm thực Huế lại nổi tiếng và được mọi người yêu mến nhiều như thế. Với hình tượng phụ nữ truyền thống, đảm đang, qua biết bao thế hệ con người nơi đây đã truyền nhau bí quyết tạo nên những món ă đậm đà dư vị, để lại trong lòng người cảm giác khó quên. 

II. DU LỊCH HUẾ HIỆN NAY :


  Cố Đô Huế không chỉ thu hút khách du lịch bởi các công trình văn hóa lịch sử lâu đời. Mà còn làm say mê biết bao tâm hồn thích đi du lịch với những danh lam thắng cảnh đẹp đến nao lòng. Bạn sẽ không thể ghé thăm toàn bộ các địa điểm du lịch ở Huế vì quỹ thời gian có hạn. 

  Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc với gần 1.000 di tích bao gồm di tích di tích tôn giáo, lịch sử cách mạng, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có nhiều di sản văn hóa được thế giới công nhận, đó là Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế.

  Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách đến Huế ước đạt 700 nghìn lượt khách, khách lưu trú ước đạt 370 nghìn lượt khách, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó khách quốc tế ước đạt 13 nghìn lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ, khách trong nước ước đạt 357 nghìn lượt khách, tăng 23% so với  cùng kỳ năm 2020. Tổng ngày khách ước đạt 560 nghìn ngày, giảm 39% so cùng kỳ năm 2020, Trong đó, ngày khách quốc tế ước đạt 23 nghìn ngày khách, giảm 95%; ngày khách trong nước ước đạt 537 triệu ngày khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 600 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020. [18]

  Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước có khách du lịch chiếm thị phần lớn đối với du lịch Huế vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ vẫn chưa xem xét mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn trong nước nên du lịch Huế cần tập trung, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa; xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm để thu hút khách du lịch góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn, phục hồi hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch thành phố Huế. [18]

  Nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế hiện nay ở nhiều khu vực đã trở về trạng thái bình thường mới. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương này phục hồi lại các hoạt động du lịch trên địa bàn giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

  Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chú trọng về giải pháp truyền thông, quảng bá kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, đơn vị, tổ chức tham quan, các điểm du lịch, di tích, di sản trong tỉnh, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nắm bắt tình hình để có kế hoạch triển khai. Đặc biệt, đẩy mạnh các hình thức quảng bá, truyền thông tại chỗ thông qua các trang mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ có liên quan. Việc hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch cũng nỗ lực được thực hiện. [19]

  Tuy phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội nhưng với quyết tâm mạnh mẽ, Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phục hồi ngành du lịch của tỉnh trong trạng thái bình thường mới, từng bước đưa ngành du lịch trở lại bình thường. 

III. VÌ SAO PHẢI BẢO TỒN VÀ PHÁT TRI ỂN “VĂN HÓA-CON NGƯỜI” XỨ HUẾ ?

  Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Nơi đây đã chứng kiến nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử; là nơi hội tụ, giao thoa và lan tỏa những giá trị văn hóa phong phú đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

  Huế tự hào có 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội; làng cổ, nhà rường, nhà vườn, hàng trăm ngôi chùa cổ; cách mạng đã trở thành tài sản vô giá của vùng đất Cố đô, hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa. Huế còn được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng như: sông Hương, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai núi Ngự, vườn quốc gia Bạch Mã, Vịnh đẹp Lăng Cô...

  Huế còn tự hào là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phan Bội Châu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu, nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu…. nhiều nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, bác sĩ y khoa giỏi, văn nghệ sĩ tài hoa đã xuất thân, hoạt động tại Huế như nhà yêu nước.

Tất cả đã tạo nên cốt cách con người Huế, văn hóa Huế đặc trưng, phát triển trong sự hài hòa với thiên nhiên. Đó là văn hóa Huế trong văn học nghệ thuật; trong kiến trúc; trong ẩm thực, trong trang phục, trong phong cách ứng xử và trong từng nếp sống của người dân. Đặc biệt, người Huế coi trọng văn hóa; lễ giáo; hiếu học; tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên.

  Với những thành tựu, nền tảng vững chắc đó, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa; luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Trong đó, nỗ lực, quyết tâm để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa giàu bản sắc truyền thống là điều tiên quyết.

  Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ di sản với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, nhất là phát động mạnh mẽ nhiều phong trào để làm cho Huế ngày càng Xanh - Sạch - Sáng; tuyền truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức, y thức của người dân trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của con người xứ Huế.

  Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

  Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nghiên cứu, triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra phù hợp với thực tiễn địa phương. Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á. [20]

  Thứ hai, tập trung huy động nguồn lực để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế; di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo tồn phố cổ, làng cổ. Đồng thời, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế; các loại hình văn hóa,văn nghệ dân gian gắn với nghiên cứu phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại. [20] 

  Thứ ba, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về văn hóa, di sản. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển. Chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt để phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế trong tình hình mới. [20]

  Thứ tư, đưa việc giáo dục bản sắc văn hóa Huế vào trong đời sống xã hội. Triển khai có hiệu quả Đề án "Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển". Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người tử tế, khoan dung, chân thành, trọng đạo lý. [20]

  Thứ năm, tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phát triển văn hóa, du lịch. Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân tài, nhất là chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch. [20]

  Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

C. KẾT LUẬN 

  Văn hóa không chỉ là tài sản quý giá của các dân tộc, không chỉ có giá trị trong việc giáo dục tuyên truyền về truyền thống văn hóa, lịch sử mà còn thực sự là lợi thế lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Kinh nghiệm từ các nước phát triển và ngay tại Việt Nam cho thấy, nếu biết kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa, lịch sử thì luôn luôn tạo ra được lợi thế cho sự phát triển, nhất là phát triển kinh tế xã hội của địa phương, và ngược lại, chính sự phát triển của kinh tế xã hội sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc quảng bá và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa.

  Và Thừa Thiên Huế là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Di sản văn hóa Huế là "tài sản" đặc biệt quý giá ẩn chứa những giá trị tinh hoa văn hóa qua nhiều giai đoạn lịch sử nối tiếp nhau. Người dân Huế luôn lịch thiệp, hiếu học, con người và cộng đồng dân cư luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa. Chính các giá trị đặc sắc trên là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Những cơ hội và thuận lợi được tạo ra từ đường lối đề cao văn hóa, nhấn mạnh yếu tố văn hóa “vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển” của Đảng, chính sách ưu tiên đầu tư cho các mục tiêu văn hóa của Nhà nước cùng sự quan tâm, ủng hộ ngày càng rộng rãi và thiết thực hơn của các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân mà Huế đã bảo lưu trong lòng mình nhiều di sản vô giá, mang tầm vóc thế giới, có nhiều di tích và di sản cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt.

  DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ.

 https://bom.so/j5rRNz

 Ngày truy cập: 9/1/2022

[2] Hồng Nguệt, Giới thiệu về thành phố Huế mộng mơ gắn liền với lịch sử dân tộc, Dulichkhampha24.

 https://bom.so/tR2jE9 

Ngày truy cập: 9/1/2022

 [3] Cổng thông tin điện tử. T. Huế, LỊCH SỬ TT-HUẾ, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế. 

https://bom.so/fYLXQd 

Ngày truy cập: 9/1/2022 

[4] Wikipedia, Huế,

 Wikipedia. https://bom.so/qUQD7L

 Ngày truy cập: 9/1/2022 

[5] Thái Hùng, CÔNG BỐ NGHỊ QUYẾT ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN VÀ SẮP XẾP, THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG THUỘC THÀNH PHỐ HUẾ, Văn phòng HĐND – UBND thành phố Huế, 2021. 

https://bom.so/DKvMw7

 Ngày truy cập: 9/1/2022 

[6] Cổng thông tin điện tử T. T. Huế, DÂN CƯ, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế . 

https://bom.so/4PNLjM 

Ngày truy cập: 9/1/2022

[7] Trần Kiêm Đoàn, VÀI NÉT VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA HUẾ, DIỄN ĐÀN KHOA HỌC: Tiếng Huế- Con người Huế và Văn hóa Huế.

 https://bom.so/H0cEL9

 Ngày truy cập: 9/1/2022 

[8] ThS.KTS. Dư Tôn Hoàng Long, Dấu ấn của kiến trúc thuộc địa trong bản sắc đô thị huế, Tạp chí Kiến Trúc, 2019. 

https://bom.so/T4M83Y

 Ngày truy cập: 9/1/2022

 [9] Cẩm Luyến, Du lịch về cố đô – Những công trình kiến trúc Huế mang đậm dấu ấn thời gian, Báo Du Lịch, 2018.

 https://bom.so/yuI50C 

Ngày truy cập: 9/1/2022 

[10] Thiencam Travel, Nét độc đáo trong ẩm thực Huế, Thiencam Travel . 

https://bom.so/DyUVmQ 

Ngày truy cập: 9/1/2022 

[11] Quang Tám, Áo dài Huế hướng tới di sản thế giới, Văn nghệ, 2021. 

https://bom.so/RDO8dj

 Ngày truy cập: 9/1/2022 

[12] Trang phục Huế,

 www.thuathienhue.gov.vn. https://bom.so/DPGbxb 

Ngày truy cập: 9/1/2022 

[13] Tôn Giáo Và Phong Tục Tập Quán, Du lịch Huế. 

https://bom.so/6E47uP 

Ngày truy cập: 9/1/2022 

[14] thuathienhue.gov.vn, Thừa Thiên Huế: Trung tâm văn hoá đặc sắc của cả nước, 

thuathienhue.gov.vn, 2020.

[14] thuathienhue.gov.vn, Thừa Thiên Huế: Trung tâm văn hoá đặc sắc của cả nước, thuathienhue.gov.vn, 2020. 

 https://bom.so/7gnWzR 

Ngày truy cập: 9/1/2022 

[15] Wikipedia, Festival Huế, 

Wikipedia. https://bom.so/uGaL1u 

Ngày truy cập: 9/1/2022

[16] Hữu Phương, Cố đô Huế: Một điểm đến 5 di sản, congluan.vn,2016.

 https://bom.so/tNUMDl 

Ngày truy cập: 9/1/2022

[17] Tuân Phước, Ngôn từ xứ Huế, Khám phá Huế.

 https://bom.so/LTCq8h

 Ngày truy cập: 9/1/2022

 [18] Huỳnh Thị Ly, HUẾ: TÌNH HÌNH DU LỊCH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021, Phòng Văn hóa & Thông tin TP Huế, 2021. 

https://bom.so/TQHjNm 

Ngày truy cập: 9/1/2022

 [19] Tuệ An, Thừa Thiên Huế: Linh hoạt phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, Báo Điện Tử ĐCSVN, 2021. 

https://bom.so/wY96Eu 

Ngày truy cập: 9/1/2022

 [20] Lê Trường Lưu, Thừa Thiên Huế gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ VĂN HÓA , THỂ THAO VÀ DU L ỊCH, 2021 

https://bom.so/qlXguJ 

Ngày truy cập: 9/1/2022


Đăng nhận xét

0 Nhận xét